Chúng ta có phải là người hay trì hoãn (procrastinate) hay không? Nhìn nhận một cách thẳng thắng và không ngại xấu hổ thì tôi thấy rằng sự trì hoãn có rất nhiều trong cả một quãng thời gian dài của cuộc đời mà tôi đã trải qua. Có vô số những sự việc mà tôi đã trì hoãn, từ việc nhỏ cho đến những việc lớn, từ những việc mà không đọng lại cho tôi ký ức nào nếu chỉ ngồi nhớ lại, cho đến những việc là dấu mốc thay đổi cuộc đời tôi. Và nhìn nhận lại thì tôi nhận thấy rằng mỗi khi bước vào tình trạng trì hoãn trong một thời gian dài, và sau đó là sự vùng lên thoát khỏi sự trì hoãn đó thì mỗi mốc thời gian đó đều là những mốc thời gian có sự chuyển biến lớn trong cuộc đời của tôi.

Và những chuyển biến đó là xấu hay tốt đối với tôi? Sẽ có luồng suy nghĩ khác nhau khi tôi ngồi lại và đánh giá lại chuyện đó. 

- Những hậu quả tiêu cực: đây là thứ tôi nhận ra rằng mình đã đánh mất hoặc bỏ lỡ khi thực hiện bước chuyển đổi này. Và tôi thường tiếc về những gì mình đã bỏ lỡ hơn là những gì mình đánh mất. Cũng có thể là bản thân tôi là một kẻ ảo tưởng khi nghĩ về những gì mình bỏ lỡ, vì biết đâu làm gì có khả năng xảy ra được những chuyện mà mình nghĩ rằng mình có thể bỏ lỡ!? Chân thành mà nói thì làm sao chúng ta có thể biết được tương lai, đúng không nào? Nhưng nói gì thì nói, bước chuyển biến cũng để lại cho chúng ta nhiều hối tiếc, nhiều tổn thương vì đã có điều sai, điều đúng đã xảy ra. Và điều sai sẽ để lại cho chúng ta một vệt mờ trong tâm thức, tùy mỗi trường hợp vết mờ này có thể dần phai đi hoặc có thể ngày càng đậm sâu hơn, hoặc từ là một đối tượng độc lập, nó đã trở nên có ảnh hưởng và vô thức hình thành nên những quyết định và hành động trong tương lai của tôi.

- Những kết quả tích cực: để bước qua được vấn đề thì tôi phải suy nghĩ và phải hành động để có thể bước qua được, để bước qua được tôi cũng phải học cách để buông bỏ như thế nào. Một cách đơn giản mà nói là cầm lên được thì cũng phải buông bỏ được. Nhưng đó là nói đơn giản, nhưng để buông bỏ được thì không phải là điều đơn giản. Mỗi lần bước qua là mỗi lần chúng ta phải tìm cách làm nhẹ để có thể bước qua được, và để làm nhẹ đi thì chỉ có cách duy nhất là buông bỏ. Tôi đã học cách để buông bỏ trong một thời gian dài, để làm được thì đi từ suy nghĩ có đến hành động buông bỏ. Chứ không thể nói bỏ là bỏ mà không cần suy nghĩ được. Và trong quá khứ có nhiều lúc tôi đã buông bỏ sai thời điểm, rất nhiều, phải nói là rất nhiều lần chứ không ít đâu. Sớm quá cũng là sai, trễ quá cũng là sai. Buông đúng lúc, đúng thời điểm thì mới là đúng. Nhưng đâu phải lúc nào tôi cũng định được đúng thời điểm đâu! Nhưng tôi nghĩ mình phải học cách để vượt qua được, và học cách để lại (ở đây là để lại nhé, không phải là bỏ lại luôn) quá khứ không vui để tập trung cho hiện tại và tương lai. Và những quyết định bước qua đó của tôi lúc nào cũng để lại những dấu ấn mà mỗi lần nhìn lại tôi đều cảm thấy là xứng đáng. Hối tiếc hay không thì cũng là điều đã xảy ra trong quá khứ rồi. Những điều đó là nền móng cho những suy nghĩ, cho những hành động của tôi trong hiện tại và trong tương lai. Tôi tự hào và cười rạng rỡ như một đứa trẻ bước đi được những bước đầu đời vậy đó.

Sau khi vượt qua được sự trì hoãn của chính bản thân mình, tôi có thể đưa ra những nguyên nhân sau đây mà tôi nhận thấy nó là khởi nguồn của sự trì hoãn của bản thân để các bạn có thể lấy làm tham khảo:

- Đầu tiên có thể là nỗi sợ hãi. Sự sợ hãi của tôi hình thành từ suy nghĩ tự ti về bản thân, nỗi sợ hãi khi người khác đánh giá, chê cười mình. Tôi cũng không nhớ rằng nỗi sợ này hình thành từ lúc nào, nhưng có thể từ lúc tôi nhận được sự thúc ép của ba tôi khi tôi không làm được chuyện mà ông coi là ai cũng phải làm được từ bé. Ký ức của tôi không có sự động viên rằng con làm cái này tốt lắm, làm cái kia tốt lắm. Mà chỉ có những ký ức khi ba tôi giận dữ khi tôi không làm được cái này, không làm được cái kia. Công tâm mà nói thì đến giờ tôi cũng không biết có thật sự là vậy hay không, vì ký ức của những giai đoạn đó nó không còn được rõ ràng nữa. Và cuối cùng những điều tôi nhớ nhất chỉ là như vậy. Và đó là nỗi sợ hãi khi bị đánh giá hoặc được đánh giá của xung quanh đối với tôi. Hậu quả là tôi hầu như không dám làm và sợ phải làm những điều gì đó khi không biết rằng liệu mình có làm sai hay không!? Và kèm theo đó là suy nghĩ rằng mình dở về chuyện đó, và vì nghĩ rằng mình dở thì mình sẽ làm sai. Tỉ lệ nhận định rằng mình sẽ phạm phải sai lầm lúc này sẽ càng lên cao hơn. Và càng nghĩ đến thì lại càng sợ, và càng sợ thì tôi càng không muốn làm việc phải làm. Và trì hoãn liên tục việc này.

- Kế đến là nhận định về sự không tương xứng giữa việc làm lợi ích đạt được. Một lần nữa, tôi nhìn nhận bản thân là một kẻ lười biếng và khá tham lam. Nên nếu công sức bỏ ra và sự nhận về được không tương ứng thì tôi sẽ không muốn làm. Và sự không muốn làm này thể hiện ra bằng việc liên tục tìm cách không thực hiện, trì hoãn việc thực hiện. Có thể nó hình thành tự sự hà khắc hay tiết kiệm lời khen của những người xung quanh khi tôi còn nhỏ chăng? Tôi nhận thấy rằng người ta khi sống khổ rồi, thì đều có mong muốn người khác hoặc những đứa nhỏ khác trong gia đình phải sống khổ như vậy, phải nếm trải được giống mình như vậy thì tụi nhỏ đó mới không hư!? Ờ, tôi cũng không hiểu lấy đâu ra cái suy nghĩ kiểu này nữa. Lúc này tôi sẽ nói quan điểm của tôi về lúc đó nhé, quan điểm cá nhân thôi (đó, lúc này đây tôi vẫn còn sợ khi người ta đánh giá suy nghĩ của mình đó!). Khi bị bắt làm việc, suy nghĩ đầu tiên của tôi là tại sao lại phải kêu mình làm, trong khi cả đống người lớn rảnh rang ra đó không làm mà lại bắt mình làm, tại sao việc đó người ta có thể dễ dàng và thuận tiện để làm thì lại sai bảo mình làm, vô lý hết sức! Và tôi nhận được lời giải thích rằng mày phải làm để mày biết để sau này mày làm, tao đang tập cho mày biết làm đó! Nói thật, đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy chỗ này nó vẫn là sai. Vì lúc đó cho dù tôi làm đến cỡ nào, tôi cũng chả dám nói là mình làm tốt được hay không nữa, nhưng những lời tôi nhận về đều là sự mỉa mai, chê bai, chê từ trong quá trình làm đến lúc kết thúc quá trình. Và không có một lời khen, ờ mà cũng có, mà lúc đó những lời đó theo kiểu gì gì đó, mà lúc đó thấy giống như chửi mình hơn là khen. Và cuối cùng nó kéo ra một kết luận của tôi, làm hay không làm cũng không nhận được cái gì tốt, không làm cũng bị nói, làm cũng bị nói, vậy làm để làm gì. Và thế là tôi bỏ và tìm mọi cách để trì hoãn để không phải làm. Đó là hậu quả của kiểu giáo dục tiết kiệm lời khen và dư lời chê bai đó.

Cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn kể từ lúc nhỏ của tôi. Ở trên tôi chỉ đề cập đến 2 nguyên nhân mà tôi thấy nó ảnh hưởng khá nghiêm trọng đối với sự nghiệp trì hoãn của tôi.